UD-CK
Nhằm đánh giá kết quả của học viên sau hai năm học tập, ngày 13-14/6/2020, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã tổ chức Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục khóa 36 cho 19 học viên tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

Các lớp thạc sĩ khóa 36 do các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng phối hợp với Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tổ chức thi và đào tạo. Trong đó, chuyên ngành Quản lý giáo dục, mã số 8140114 là sự phối hợp với trường ĐH Sư Phạm, ĐHĐN. Các giảng viên là PGS, TS đến từ Trường Đại học Sư Phạm, ĐHĐN chủ trì ngành và trực tiếp giảng dạy.


Hội đồng bảo vệ là các PGS, TS đến từ trường ĐH Sư Phạm và một số đơn vị khác, gồm có: 
- PGS.TS. Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum; 
- PGS.TS. Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm; 
- TS. Nguyễn Thị Trâm Anh - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm;  
- TS. Bùi Việt Phú - Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư Phạm;  
- TS. Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm Huế;
- TS. Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Đăk Lăk;
- PGS.TS. Phùng Đình Mẫn - Trường Đại học Huế;
- PGS.TS. Võ Nguyên Du - Trường Đại học Quy Nhơn; 
- PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

 

 

Các luận văn thạc sĩ được các học viên chuẩn bị kỹ lưỡng, đã được hội đồng đánh giá đề cương chi tiết trước khi hoàn thành, các luận văn tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý giáo dục, đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động quản lý giáo dục hiện nay.


Các thành viên hội đồng bảo vệ đã có nhiều ý kiến nhận xét, góp ý cả về hình thức và nội dung trình bày sau mỗi bài báo cáo. Theo đánh giá của hội đồng, nhiều luận văn có tính thực tiễn cao, có thể phần nào áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, cũng chỉ ra những hạn chế cần bổ sung, hoàn thiện để luận văn đạt chất lượng cao hơn. Theo đánh giá chung, các luận văn đều được trình bày khoa học, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và ứng dụng thực tiễn, vận dụng sâu sắc các kiến thức đã học vào việc phân tích và đề xuất các giải pháp cho đề tài mình lựa chọn.

 

 

Hi vọng rằng, sau khi đã hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, với những kiến thức đã tiếp thu và nghiên cứu, các học viên có thể áp dụng vào thực tiễn để phục vụ tốt hơn cho công tác của chính mình, cũng như đóng góp vào sự nghiệp quản lý giáo dục của địa phương. Đó cũng là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng nói chung và Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum nói riêng hướng đến là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.